Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể – là mệnh giá của trái phiếu, trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc) hoặc chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Người mua trái phiếu (trái chủ) có thể là cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (gọi là trái phiếu vô danh). Trái chủ là người cho nhà phát hành vay và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả sử dụng vốn vay của người vay. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng vay.
Nói cách khác, trái phiếu như là 1 loại chứng khoán, có nhiều điểm tương đồng với khoản cho vay có kỳ hạn, khẳng định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) cần trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay). Khoản tiền gốc, lãi và thời gian trả lãi trái phiếu thường sẽ được ấn định cụ thể từ đầu.
Xét các kênh đầu tư chủ yếu của khách hàng cá nhân gần đây như:
- Tiền gửi: an toàn nhưng lãi suất thấp, kém linh hoạt.
- Vàng: nhiều rủi ro, xu hướng giá khó xác định
- BĐS: vốn đầu tư lớn, kém linh hoạt, lợi tức đầu tư thấp
- USD: lãi suất thấp, được điều tiết và kiểm soát bởi Nhà nước
- Cổ phiếu: kênh đầu tư linh hoạt, thanh khoản tốt, lợi suất có thể cao nhưng rủi ro cao.
Thì TPDN là kênh đầu tư có lợi tức khá cao, rủi ro chấp nhận được. Do đó, đây là kênh đầu tư mới được nhiều NĐT gần đây ưa thích lựa chọn.
Trái phiếu có các đặc điểm cơ bản sau:
- Chủ thể phát hành trái phiếu có thể là một doanh nghiệp, là Chính phủ Trung ương hoặc chính quyền địa phương.
- Người mua trái phiếu chỉ là người cho chủ thể phát hành vay tiền và là chủ nợ của chủ thể phát hành trái phiếu. Không giống với người mua cổ phiếu là người sở hữu Công ty.
- Thu nhập của trái phiếu là tiền lãi, là khoản thu cố định không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.
- Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi Công ty bị giải thể hoặc phá sản thì trước hết Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho các trái chủ trước, sau đó mới chia cho các cổ đông.
Với những đặc điểm cơ bản như trên, trên phương diện NĐT thì trái phiếu có tính ổn định và ít rủi ro hơn cổ phiếu. Vì vậy, trái phiếu là loại chứng khoán được các NĐT chuyên nghiệp ưa chuộng.
- Thời hạn của trái phiếu là khoảng thời gian từ ngày phát hành đến ngày tổ chức phát hành hoàn trả vốn lần cuối. Trái phiếu có thời hạn khác nhau, trái phiếu trung hạn có thời gian từ 1 năm đến 5 năm. Trái phiếu dài hạn, có thời gian từ 5 năm trở lên.
- Kỳ trả lãi là khoảng thời gian doanh nghiệp phát hành trả lãi cho người nắm giữ trái phiếu. Lãi suất trái phiếu được xác định theo năm, nhưng việc thanh toán lãi suất trái phiếu thường được trả định kỳ mỗi năm 1 hoặc 2 lần.
- Mệnh giá trái phiếu hay còn gọi là giá trị danh nghĩa của trái phiếu là giá trị ghi trên trái phiếu. Mệnh giá trái phiếu là căn cứ để xác định số lợi tức tiền vay mà nhà phát hành phải trả. Mệnh giá cũng thể hiện số tiền nhà phát hành phải hoàn trả khi trái phiếu đến hạn.
- Giá phát hành là giá bán ra của trái phiếu vào thời điểm phát hành. Thông thường giá phát hành được xác định theo tỷ lệ phần trăm của mệnh giá. Tùy theo tình hình của thị trường và của nhà phát hành để xác định giá phát hành phù hợp. Có 3 trường hợp: giá phát hành bằng mệnh giá (ngang giá), giá phát hành dưới mệnh giá (giá chiết khấu) và giá phát hành trên mệnh giá (giá gia tăng).
- Dù trái phiếu được bán với giá nào (ngang giá, giá chiết khấu hay giá gia tăng), thì lợi tức luôn được xác định theo mệnh giá. Đồng thời khi đáo hạn, trái chủ sẽ được thanh toán theo mệnh giá của trái phiếu.
- Lãi suất danh nghĩa: Lãi suất trái phiếu thường được ghi trên trái phiếu hoặc được nhà phát hành công bố được gọi là lãi suất danh nghĩa. Lãi suất này được xác định theo tỷ lệ phần trăm so với mệnh giá trái phiếu và cũng là căn cứ để xác định lợi tức trái phiếu.
Hiện nay, trên thị trường đã có 4 loại trái phiếu được phát hành và giao dịch. Cách phân loại này dựa trên đối tượng phát hành TP, gồm có:
- Trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành.
- Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do doanh nghiệp, các ngân hàng chính sách của Nhà nước và các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh theo quy định.
- Trái phiếu chính quyền địa phương: Là các TP do các địa phương là tỉnh, thành trên toàn quốc phát hành.
- Trái phiếu doanh nghiệp: do các doanh nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp và thuộc loại được phép huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu phát hành.
Chính phủ (Government Bond)
Trái phiếu Chính phủ được phát hành bởi Chính phủ của một quốc gia với mục đích đầu tư cho phát triển kinh tế và bù đắp thâm hụt ngân sách Nhà nước. Đây là loại Trái phiếu được coi là tài sản an toàn nhất trong phạm vi quốc gia đó. Đồng thời lãi suất TPCP được sử dụng như một chỉ báo quan trọng về sức khỏe kinh tế của quốc gia. Hiện nay, phần lớn trái chủ nắm giữ TPCP ở Việt Nam là các ngân hàng thương mại và quỹ bảo hiểm.
Doanh nghiệp (Corporate bond)
Các doanh nghiệp ở đây bao gồm các công ty cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước, công ty TNHH, các ngân hàng và tổ chức tài chính. Các doanh nghiệp này có thể huy động vốn trung, dài hạn bằng cách phát hành trái phiếu. Mục đích là giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, phát triển các dự án mới hay để mua lại/sáp nhập một công ty khác. Trong khi đó, đối với hình thức vay vốn ngân hàng, đa số các doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn vay trung, dài hạn do các giới hạn về tỷ lệ an toàn của bản thân ngân hàng cũng như các điều kiện khắt khe khác.
Loại trái phiếu có lãi suất thả nổi và lãi suất được điều chỉnh định kỳ theo lãi suất thị trường sẽ giúp NĐT tránh rủi ro lãi suất.
Rủi ro lãi suất
Rủi ro lãi suất là rủi ro về sự thay đổi đáng kể của lãi suất so với những gì NĐT dự kiến. Nếu lãi suất tăng, NĐT sẽ bị kẹt với một công cụ có lãi thấp hơn so với lãi thực tế của thị trường. Càng nhiều thời gian đến ngày đáo hạn thì NĐT phải chịu rủi ro lãi suất lớn hơn, bởi càng khó khăn để dự đoán thị trường. Để tránh rủi ro này, NĐT nên chọn loại trái phiếu có thể dễ dàng giao dịch khi chưa đến hạn. Hoặc NĐT nên đa dạng hóa thời gian đáo hạn của danh mục trái phiếu. Hoặc lựa chọn loại trái phiếu có lãi suất thả nổi, lãi suất được điều chỉnh định kỳ theo lãi suất thị trường.
Rủi ro tín dụng (credit risk)/ Rủi ro vỡ nợ (default risk)
Rủi ro tín dụng hay rủi ro vỡ nợ là những trường hợp mà cả lãi lẫn gốc đều có thể không có khả năng được trả vào ngày đáo hạn. Để hạn chế rủi ro này, NĐT nên xem kỹ về cơ bản của doanh nghiệp, nhất là tỷ lệ nợ, tỷ số khả năng trả lãi của doanh nghiệp. Đồng thời đa dạng hóa danh mục và quản trị thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu.
Rủi ro trả trước
Rủi ro trả trước là rủi ro khi một đợt phát hành trái phiếu nào đó được trả sớm hơn dự kiến, thông thường qua điều khoản gọi. Đây là tin xấu đối với các NĐT, bởi vì công ty chỉ có động lực để trả nợ sớm khi lãi suất giảm đáng kể. Thay vì tiếp tục giữ lại một khoản đầu tư lãi suất cao, NĐT sẽ ngừng lại để tái đầu tư vốn trong một môi trường lãi suất thấp hơn. Do đó, NĐT cần tìm hiểu kỹ các điều khoản về trái phiếu dự định mua để chủ động trong đầu tư.